-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Phân loại dạng thuốc
07/12/2021 Đăng bởi: Dịu Thảo
Thiết kế dạng thuốc là khâu quan trọng quyết định chất lượng của dạng thuốc. Khi thiết kế dạng thuốc, phải xem xét mối tương quan giữa các thành phần trong dạng thuốc dưới sự tác động trực tiếp của kỹ thuật bào chế nhằm tìm ra phương án tối ưu cho từng sản phẩm.
Phân loại thuốc
1. Theo thể chất
- Các dạng thuốc thể rắn (Viên nén, viên nang, thuốc bột, thuốc viên..)
- Viên nén: có thể có 1 hoặc nhiều dược chất cùng với tá dược. Có loại viên nén có thể nhai được, có loại viên nén không được nhai, phá vỡ viên như các loại viên được bào chế đặc biệt để giải phóng dược chất kéo dài hoặc theo chương trình. Viên nén có dược chất thường ổn định hơn khi ở dạng thuốc lỏng, tuy nhiên có thể có nhược điểm khó nuốt ở một số đối tượng như trẻ nhỏ, người già...
- Viên nang: là dạng thuốc có dược chất và tá dược được bao gói trong nang thuốc (thường bằng gelatin). Viên nang thích hợp cho dược chất cần được che dấu mùi, vị khó chịu hoặc cho dược chất cần tránh tác động của ánh sáng...
- Bột thuốc: là dạng thuốc rắn hỗn hợp giữa bột dược chất và bột tá dược. Dạng thuốc này bền cho dược chất hơn dạng thuốc lỏng và hòa tan dược chất tốt hơn thuốc viên, tuy nhiên sẽ khó dấu mùi vị khó chịu của dược chất hơn so với thuốc viên.
- Dạng thuốc giải phóng kéo dài, hoặc theo chương trình: là dạng thuốc được bào chế đặc biệt để dược chất được giải phóng ổn định vào máu với nồng độ nhất định, mục đích giảm tần suất uống thuốc của người bệnh. Các dạng thuốc này thường được viết tắt SR (sustained release), SA (sustained action), ER, XR, XL (extended release), TR (timed release), CR (controlled release), MR (modified release)...
- Các dạng thuốc thể mềm (thuốc cao, thuốc mỡ, gel)
Dùng để bôi trên bề mặt da hoặc niêm mạc của cơ thể.
- Các dạng thuốc thể lỏng (dung dịch, hỗn dịch, nhũ dịch, siro, cao lỏng, …)
Dung dịch thuốc: thể chất thuốc đồng nhất, thuốc không bị phân tách lớp. Dạng thuốc thường hấp thu nhanh hơn so với dạng thuốc rắn, và ít gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa hơn. Nhược điểm là dạng thuốc này dễ nhiễm khuẩn hơn và không thích hợp với dược chất dễ bị thủy phân.
Hỗn dịch thuốc: là dạng thuốc phân tán dược chất rắn trong dung môi thuốc, với kích thước dược chất thường lớn hơn 1 micromet. Thuốc thường phải có thêm tá dược là chất diện hoạt và tá dược treo để phân tán đều dược chất trong dung môi thuốc. Thuốc nên được lắc trước khi dùng để chia liều thuốc chính xác.
Nhũ tương thuốc: là dạng thuốc phân tán dược chất dạng lỏng trong dung môi thuốc, kích thước dược chất đường kính từ 0.1 – 100 micromet. Thuốc thường có thêm tá dược nhũ hóa để phân tán đều hai phase thuốc vào nhau. Ngoài ra có thêm các tá dược khác như hệ đệm, chất chống oxy hóa, chất bảo quản.
Siro thuốc: là dược chất phân tán trong dung dịch đường hoặc chất làm ngọt thay cho đường. Thường siro thuốc có hàm lượng đường từ 60-80% thành phần dung dịch thuốc.
2. Theo đường dùng
Đường dùng ảnh hưởng nhiều đến tác dụng của thuốc. Một dược chất đưa vào cơ thể theo các con đường khác nhau có thể gây tác dụng dược lý khác nhau.
- Thuốc tiêm: Có nhiều loại tiêm khác nhau: tiêm bắp, tiêm hoặc truyền nhỏ giọt tĩnh mạch, tiêm dưới da
- Dạng thuốc dùng đường tiêu hóa:
- Các thuốc để uống, ngậm, hay nhai (dược chất được hấp thu hoặc gây tác dụng tại chỗ chủ yếu ở ruột non), thuốc đặt và thuốc thụt (gây tác dụng tại chỗ hoặc được hấp thu qua hệ mao mạch tại trực tràng).
- Dạng thuốc dùng theo đường hô hấp:
- Các dạng thuốc để xông, hít, phun mù, nhỏ mũi...
- Các dạng thuốc này có thể gây tác dụng tại chỗ trên niêm mạc đường hô hấp hay tác dụng toàn thân.
- Dạng thuốc dùng theo đường da:
- Thuốc mỡ, thuốc nước, cao dán, thuốc bột đắp, thuốc phun mù, hệ trị liệu qua da,....
- Phần lớn các thuốc có tác dụng tại chỗ (chữa mẩn ngứa, bảo vệ da,...), nhưng cũng có trường hợp dược chất được hấp thu qua da để gây tác dụng toàn thân (chống đau thắt ngực, chống say tàu xe...)
Nguồn: Internet.